Công nghệ cho người khiếm thị
Ngày cập nhật 06/07/2021
Người khiếm thị tiếp cận công nghệ không còn xa vời

Được linh động di chuyển về địa phương, các lớp học điện thoại thông minh (ĐTTM) đã tạo thêm cơ hội tiếp cận công nghệ, mở ra một cánh cửa mới cho người khiếm thị.

Đặng Văn An, hội viên Hội Người mù (HNM) huyện Phú Vang là một trong những học viên được tiếp cận lớp tập huấn sử dụng ĐTTM dành cho người mù. Lúc nhỏ, An bị u màng não, di chứng của căn bệnh khiến anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Giấc mơ đến trường vụt tắt cộng với điều kiện kinh tế khó khăn, niềm động viên lớn nhất của Đặng Văn An là chiếc điện thoại “cục gạch” mà anh luôn mang theo bên mình.
 
Khác với Đặng Văn An, anh Phan Trung Thức bị mù bẩm sinh. Được tiếp cận ĐTTM từ trước nhưng anh vẫn khó sử dụng. “Bởi thế, dù rất mê âm nhạc nhưng tôi chỉ có thể nhờ người quen tìm giúp chứ không tự chủ được. Vì vậy tôi rất mong được hướng dẫn để sử dụng điện thoại thành thạo chứ không chỉ dừng ở mức biết”.
 
Tháng 4/2021, hai anh Đặng Văn An và Phan Trung Thức cùng 22 học viên ở Phú Vang được tiếp cận lớp tập huấn sử dụng ĐTTM dành cho người mù. Giữa cái nắng tháng tư, trong lớp chung với những người đồng cảnh ngộ, các anh được học kỹ năng sử dụng trình đọc màn hình trên ĐTTM Android. Cách sờ, tiếp xúc các biểu tượng trên màn hình, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo cũng như dùng trợ lý ảo Google để gọi điện thoại, hỏi thời tiết, nhập phím số trên màn hình cảm ứng.
 
Thầy Nguyễn Viết Thương, giáo viên phụ trách lớp cho biết, khi tiếp cận ĐTTM, quan trọng nhất là người khiếm thị phải học cách để bấm. Với chức năng của phần mềm trình đọc màn hình, tất cả những biểu tượng trên màn hình đều sẽ phát ra tiếng khi ngón tay của người khiếm thị lướt trên chúng. “Vì thế, sẽ có 5 cử chỉ căn bản, cũng là “bí quyết” để các học viên sử dụng thành thạo ĐTTM. Đó là sờ đâu đọc đấy, vuốt nhanh sang phải để đi tới một mục, vuốt nhanh sang trái để đi lùi một mục, gõ nhanh hai lần vào màn hình để chọn mục mình đang đứng và vuốt lên vuốt xuống để trượt nội dung trên màn hình”, thầy Thương đúc kết.
 
Chăm chú khi thầy Nguyễn Viết Thương hướng dẫn, Đặng Văn An dần làm quen với những ứng dụng anh đã được nghe nhiều trước đó. Với anh, một chân trời mới đã mở ra khi Facebook, Zalo, email không còn là điều xa vời. Anh nói: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội sử dụng các ứng dụng này, cũng như tìm kiếm thông tin hay giải trí trên ĐTTM. Dù vẫn chưa có điều kiện mua, nhưng tôi tự tin trong thời gian ngắn là có thể sử dụng ĐTTM thành thạo”.
 
Đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù thuộc HNM tỉnh đã tổ chức ba lớp sử dụng điện thoại thông minh tại HNM TP. Huế, HNM huyện Phú Vang và HNM thị xã Hương Thủy. Theo đó, có hơn 70 học viên đã thành thạo những kỹ năng cơ bản gồm nghe, gọi, lưu danh bạ, gửi tin nhắn, sử dụng mạng xã hội, internet trên ĐTTM.
 
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết: “Giai đoạn 2015 - 2020, HNM tỉnh đã mở 4 lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh, cung cấp kiến thức công nghệ thông tin cho 115 cán bộ, hội viên. Tỉnh hội tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ và Phát triển công nghệ cho người mù. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ mở 6 lớp tập huấn sử dụng ĐTTM, hiện tại đã triển khai 3 lớp”.

 

Niềm vui sử dụng thành thạo ĐTTM như được nhân lên gấp bội. Bởi sau khi hoàn tất các lớp tập huấn, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù sẽ tổ chức bế giảng, trao chứng nhận đã hoàn thành chương trình và tặng quà là chiếc ĐTTM cho mỗi học viên. Trong nụ cười của anh Đặng Văn An, chúng tôi đọc được niềm hạnh phúc. Sắp tới đây, anh sẽ được nhận chiếc ĐTTM, và như các hội viên khác, ĐTTM sẽ trở thành người bạn đường, viết tiếp cuộc sống của anh khi bước sang một trang mới.
Tin, ảnh: Mai Huế (Báo Thừa Thiên Huế Online)
Tin mới
Xem tin theo ngày